Các trò lừa gạt nhắm đến mọi người thuộc đủ nguồn gốc, lứa tuổi và mức lợi tức trên toàn nước Úc. Ai cũng có thể bị mắc phải các trò lừa gạt vì vậy tất cả mọi người đều cần thông tin về các cách phát hiện và tránh được. Những kẻ lừa gạt rất thông minh và nếu quý vị không biết cần phải coi chừng những gì, thì bất kỳ ai cũng đều có thể trở thành nạn nhân của trò lừa gạt.

 

On this page

Các trò lừa gạt thành công là do chúng trông có vẻ giống như thật và làm quý vị mất cảnh giác khi quý vị không ngờ đó là trò lừa gạt. Chúng có thể bao gồm một chào mời mà có vẻ tốt đến mức khó có thật, một cuộc gọi điện thoại để giúp sửa chữa máy vi tính của quý vị hay dọa phải trả một khoản tiền mà quý vị không nợ, một cảnh báo từ ngân hàng hay công ty cung cấp dịch vụ viễn thông của quý vị về một vấn đề nào đó với tài khoản của quý vị hoặc thâm chí một lời mời trở thành ‘bạn’ với ai đó trên mạng.

Những kẻ lừa gạt đang lợi dụng công nghệ mới, sản phẩm hay dịch vụ mới và các sự kiện lớn để tạo ra những câu chuyện có thể tin được khiến quý vị tin theo để rồi cung cấp tiền bạc hay các chi tiết cá nhân của quý vị. Những kẻ lừa gạt thậm chí còn giả danh là nhân viên chính phủ và đưa ra những đòi hỏi giả mạo hay sử dụng những lời đe dọa, như phạt tiền, bắt giữ và trục xuất để khiến quý vị sợ và trả tiền. Những kẻ lừa gạt này có thể có được một vài thông tin cá nhân của quý vị từ mạng truyền thông xã hội để làm cho những đòi hỏi này có vẻ hợp pháp hơn.

Quý vị có thể làm gì để bảo vệ bản thân mình

Hãy cảnh giác và bảo vệ quý vị để không bị lừa gạt, bằng cách tuân theo những lời khuyên của chúng tôi sau đây.

Hãy cảnh giác với những trò lừa gạt. Khi xử lý những sự tiếp xúc không được mời từ mọi người hay từ các doanh vụ, bất kể đó là qua điện thoại, thư điện tử, đích thân hay trên trang mạng mạng lưới xã hội, hãy luôn xem xét khả năng việc tiếp cận này có thể là một trò lừa gạt.

Biết quý vị đang giao dịch với ai. Nếu quý vị mới chỉ gặp ai đó trên mạng hay không biết chắc chắn về tính hợp pháp của một doanh vụ nào đó, hãy dành chút thời gian để tìm hiểu thêm. Hãy thực hiện việc tìm kiếm hình ảnh trên Google về các tấm hình hay tìm trên internet để biết những người khác có thể đã giao dịch với họ.

Đừng mở các tin nhắn, cửa sổ nổi lên hay thư điện tử khả nghi – hãy xóa bỏ chúng. Nếu nó không quen thuộc, hãy xác minh danh tính của sự tiếp xúc này qua một nguồn độc lập như danh bạ điện thoại hay tìm hiểu trực tuyến. Đừng sử dụng các chi tiết liên lạc được cung cấp trong thông điệp gửi đến quý vị.

Giữ các chi tiết cá nhân của quý vị luôn an toàn. Hãy lắp một chiếc khóa trên hộp thư của quý vị và xén vụn các hóa đơn cũng như các giấy tờ quan trọng khác của quý vị trước khi vứt bỏ chúng. Cất giữ mật khẩu và số pin ở một nơi an toàn. Hãy rất cẩn thận về lượng thông tin cá nhân mà quý vị chia sẻ trên các trang mạng truyền thông xã hội.

Giữ các thiết bị di động và máy vi tính của quý vị luôn an toàn. Luôn sử dụng biện pháp bảo vệ bằng mật khẩu, đừng chia sẻ sự tiếp cận với những người khác (kể cả tiếp cận từ xa), luôn cập nhật phần mềm an ninh và sao chép dự phòng nội dung. Bảo vệ mạng WiFi của quý vị bằng mật khẩu và tránh sử dụng các máy vi tính công cộng hay các điểm phát WiFi miễn phí để truy cập tiện ích giao dịch ngân hàng trực tuyến hay cung cấp thông tin cá nhân.

Chọn mật khẩu của quý vị một cách cẩn thận. Chọn các mật khẩu mà người khác có thể khó đoán được và thường xuyên cập nhật chúng. Đừng sử dụng cùng một mật khẩu cho mọi tài khoản/hồ sơ, và đừng chia sẻ mật khẩu của quý vị với bất kỳ ai.

Xem xét lại các chế độ riêng tư và an ninh của quý vị trên mạng truyền thông xã hội. Nếu sử dụng các trang mạng mạng lưới xã hội, như Facebook, quý vị hãy cẩn thận về việc quý vị kết nối với ai và hãy học cách dùng các chế độ riêng tư và an nình của quý vị để bảo đảm là quý vị luôn được an toàn.

Cảnh giác với mọi đề nghị cung cấp chi tiết hay tiền bạc của quý vị. Đừng bao giờ gửi tiền hay cung cấp các chi tiết thẻ tín dụng, chi tiết tài khoản trực tuyến hay bản sao các giấy tờ cá nhân cho bất kỳ ai mà quý vị không biết hay không tin cậy.

Cẩn thận khi mua sắm trên mạng. Cảnh giác với những chào mời mà có vẻ tốt đến mức khó có thật, và luôn sử dụng dịch vụ mua sắm trực tuyến mà quý vị biết và tin cậy.

Làm thế nào để phát hiện trường hợp giả mạo

Các dấu hiệu để phát hiện giấy tờ giả mạo

Các giấy tờ bị giả mạo một cách dễ dàng: Một số giấy tờ sẽ trông giống như thật nhưng những giấy tờ khác có thể có các dấu hiệu cảnh báo, như:

  • chào mời chung cho tất cả hơn là cá nhân
  • tên của các tổ chức không tồn tại
  • trình bày chất lượng kém
  • ngữ pháp và chính tả chất lượng kém
  • ngôn từ quá trịnh trọng hay ép buộc.

Các giấy tờ như lịch trình chuyến bay và báo cáo của ngân hàng có lối thiết kế đơn giản, không phức tạp ngay cả khi các giấy tờ này là hợp pháp bởi các doanh vụ này cho phép khách hàng của họ in các báo cáo trực tuyến. Điều này có nghĩa là các giấy tờ này rất dễ bị giả mạo.

Các dấu hiệu để phát hiện thư điện tử giả mạo

Những kẻ lừa gạt có thể dễ dàng giả mạo một thư điện tử trông chính thức, sử dụng cùng biểu trưng và mẫu thiết kế thư điện tử như của công ty thực.

Thường quý vị mất cảnh giác khi nhận được thư điện tử từ một công ty mà quý vị đã từng giao dịch trước đó, như Australia Post (Bưu điện Úc) hay một trang mạng mua sắm trực tuyến mà quý vị sử dụng. Nếu đang không mong đợi nhận được một thư điện tử nào đó, thì quý vị hãy luôn cảnh giác với trường hợp giả mạo trước khi nhắp chuột vào bất kỳ đường kết nối nào hay mở bất kỳ tệp đính kèm nào.

Các dấu hiệu để phát hiện một hồ sơ hẹn hò giả mạo

Khi nhìn vào một hồ sơ hẹn hò mới, hãy lưu ý bất kỳ dấu hiệu bất thường nào về lựa chọn của họ về:

  • bức hình
  • địa điểm
  • các mối quan tâm
  • kỹ năng ngôn ngữ xứng đáng với tầng lớp xã hội.

Những kẻ lừa gạt thường sử dụng các tấm hình giả mạo mà chúng tìm thấy trên mạng.

Lời khuyên: Hãy thực hiện việc tìm kiếm hình ảnh về người đang hâm mộ quý vị để giúp xác định xem họ có đúng thật sự là người mà họ tự xưng hay không. Quý vị có thể sử dụng các dịch vụ tìm kiếm hình ảnh như Google hay TinEye.

Tới đâu để được giúp đỡ

Nếu đã bị mất tiền bạc cho một trò lừa gạt hay đã cung cấp các chi tiết cá nhân cho một kẻ lừa gạt, thì khó có khả năng là quý vị sẽ lấy lại được tiền bạc của mình. Tuy nhiên, có các bước quý vị có thể thực hiện ngay lập tức để hạn chế thiệt hại và bảo vệ bản thân khỏi sự mất mát thêm nữa.

Liên lạc ngân hàng hay hiệp hội tín dụng của quý vị

Nếu đã gửi tiền hay thông tin giao dịch ngân hàng cá nhân cho một kẻ lừa gạt, quý vị hãy liên lạc ngân hàng hay hiệp hội tín dụng của mình ngay lập tức. Họ có thể có khả năng ngăn chặn việc chuyển tiền hay séc, hoặc đóng tài khoản của quý vị nếu kẻ lừa gạt đã có các chi tiết về tài khoản của quý vị.

Nếu không biết chắc chắn có phải mình đang bị lừa gạt hay không, quý vị hãy chấm dứt chi tiêu tiền. Kẻ lừa gạt sẽ tiếp tục xin thêm tiền cho tới khi quý vị chấm dứt.

Lấy lại nhân dạng bị đánh cắp của quý vị

Nếu quý vị nghi mình là nạn nhân của hành vi trộm cắp nhân dạng, thì điều quan trọng là quý vị hành động một cách nhanh chóng để giảm nguy cơ mất mát tài chính hay những thiệt hại khác.

Quý vị có thể:

liên lạc iDcare – một dịch vụ miễn phí được chính phủ tài trợ. Họ sẽ làm việc cùng quý vị để thảo ra một kế hoạch ứng phó cụ thể cho hoàn cảnh của quý vị và hỗ trợ quý vị qua quá trình này. Xin quý vị truy cập trang mạng của iDcare  hoặc gọi số 1300 IDCARE (432273)

nộp đơn xin giấy Chứng nhận Liên bang về Tình trạng là Nạn nhân – giấy chứng nhận giúp hỗ trợ lời khai của quý vị rằng quý vị là nạn nhân của hành vi phạm tội về nhân dạng, và có thể được sử dụng để giúp thiết lập lại các chứng thực của quý vị với chính phủ hay các định chế tài chính. Xin truy cập Nạn nhân của hành vi phạm tội Liên bang về nhân dạng.

Trình báo các trò lừa gạt với các cơ quan có thẩm quyền

Bằng việc đưa ra báo cáo với cơ quan thích hợp, quý vị giúp họ phát hiện những kẻ lừa gạt và cảnh báo những người khác về trò lừa gạt này.

Loại vụ việc Cơ quan

Ngân hàng

Ngân hàng hay định chế tài chính của quý vị
Hành vi phạm tội trên mạng Mạng lưới của Úc cho việc Trình báo Trực tuyến về Hành vi Phạm tội trên Mạng
Các trò lừa gạt tài chính và đầu tư Ủy hội Chứng khoán và Đầu tư Úc châu
Gian lận và trộm cắp

Cảnh sát địa phương của quý vị - gọi số 131 444

Tại Bang Victoria, hãy gọi trạm cảnh sát địa phương của quý vị

Lừa gạt Cơ quan Thông tin và Truyền thông Úc châu
Các trò lừa gạt liên quan đến thuế Sở Thuế vụ Úc châu
Các trò lừa gạt khác ACCC qua Theo dõi các trò Lừa gạt

Cảnh báo những người khác về các trò lừa gạt

Nếu kẻ lừa gạt lần đầu tạo sự tiếp xúc qua một trang mạng, truyền thông xã hội, thư điện tử hay qua điện thoại, thì quý vị hãy liên lạc với cơ quan thích hợp với các chi tiết của kẻ lừa gạt này. Báo cáo của quý vị sẽ giúp họ thực hiện các hành động để gây cản trở cho các trò lừa gạt.

Quý vị cũng nên cảnh báo cho bạn bè và gia đình mình. Nếu là một doanh vụ nhỏ, quý vị hãy cho hiệp hội kỹ nghệ của mình hay các mối liên lạc kinh doanh khác biết về trò lừa gạt này.

Thay đổi các mật khẩu trực tuyến của quý vị

Nếu nghĩ là máy vi tính hay thiết bị của mình đã bị tin tặc tấn công, quý vị nên chạy chương trình kiểm tra toàn bộ hệ thống bằng cách sử dụng một chương trình kiểm tra vi-rút đáng tin cậy. Sau khi làm xong việc này, quý vị nên thay đổi tất cả mật khẩu trực tuyến mà quý vị đã sử dụng trên máy vi tính đó.

Nếu nghĩ là một trong các tài khoản trực tuyến của mình (ví dụ, ngân hàng, thư điện tử, tài khoản mua sắm trực tuyến hay truyền thông xã hội) đã bị gây hại, quý vị nên thay đổi mật khẩu của mình ngay lập tức.

Liên lạc cơ quan bảo vệ người tiêu thụ địa phương của quý vị

Mặc dù ACCC là cơ quan trên toàn quốc giải quyết các vấn đề tổng quát về bảo vệ người tiêu thụ, nhưng các cơ quan tiểu bang và lãnh thổ cũng có thể giúp đỡ quý vị.

Liên lạc dịch vụ tư vấn hay hỗ trợ

Nếu quý vị hay ai đó mà quý vị biết, bị lừa gạt, xin quý vị nói chuyện với Bác sĩ Toàn khoa, chuyên viên y tế địa phương của quý vị hay người nào đó mà quý vị tin cậy. Quý vị còn có thể liên lạc một trong các dịch vụ tư vấn hay hỗ trợ sau.

Khi cần sự hỗ trợ trong khủng hoảng, xin quý vị liên lạc Lifeline qua số 13 11 14 (24/7) hoặc truy cập trang mạng www.lifeline.org.au

Để biết thông tin về chứng trầm cảm hay lo âu, xin quý vị liên lạc beyondblue qua số 1300 22 4636 hoặc truy cập trang mạng www.beyondblue.org.au

Dịch vụ tư vấn chuyên nghiệp trực tuyến và qua điện thoại cho bất kỳ ai bị ảnh hưởng bởi việc tử tự. Dịch vụ Gọi Lại Liên quan đến Tử tự : 1300 659 467

Dịch vụ tư vấn và hỗ trợ trực tuyến và qua điện thoại cho giới trẻ tuổi từ 5 đến 25 tuổi. Đường dây Giúp đỡ Trẻ em : 1800 55 1800

Dịch vụ hỗ trợ, thông tin và giới thiệu trực tuyến và qua điện thoại cho nam giới có các quan ngại về gia đình và mối quan hệ. Đường dây Dành cho Nam giới Úc châu : 1300 78 99 78

Thông tin thêm

Quý vị có thể đưa ra trình báo trên trang mạng của Scamwatch (Cơ quan Theo dõi Lừa gạt): www.scamwatch.gov.au/report-a-scam

Đăng ký để nhận được thư báo của dịch vụ theo dõi miễn phí của Cơ quan Theo dõi Lừa gạt: www.scamwatch.gov.au/news/subscribe-to-newsletter

Hãy theo @Scamwatch_gov trên Twitter để nhận được cảnh báo về các trò lừa gạt hiện nay mà đang nhắm tới cộng đồng

Is this page useful?